Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Xây dựng chương trình Họp lớp kỷ niệm 20 năm ra trường cấp III

Ngoảnh đi, quay lại thế là đã gần 20năm!!! AE mình rời mái trường cấp III - 1992, 20năm chả biết dài hay ngắn, cuộc đời lên bổng xuống trầm, buồn vui đắng cay, hạnh phúc.
AE mỗi người một cuộc sống, người đã lấy vợ lấy chồng, người còn bơ vơ (hay tự do!!!) một mình; người con đã khôn lớn đang lo đã có người yêu, người con còn thơ dại đang tranh nhau bú sữa với bố; người còn chưa có mối tình vắt vai, nhiều đêm thầm khóc một mình; người nhà cao cửa rộng, người nhà thuê chật chội nằm mơ “Bác Hồ” hàng đêm; người được phong chức, người tự phong; người hết ốm lại đau, người lại khổ vì khỏe; người sống trên mặt đất, người sống trong mây (nhà cao tầng) lại có người đã vi vu trên thiên đàng; người đi xe Honda 4 bánh cửa đóng tù túng, người Honda 2 bánh mui trần phóng khoáng.
Nhưng, như thế nào là vui, thế nào là hạnh phúc; thế nào là giàu, thế nào là nghèo, thế nào là cuộc sống năng động nhiệt huyết, thế nào bình lặng nhàm chán? Nào ai nói được chăng.
Riêng em, nếu đến CQ Sếp sợ phải tránh, về nhà con cười vui vẻ, vợ cơm ngon canh ngọt, cuối tuần trời đẹp đá bóng tennis làm chai bia tán phét bạn bè là thấy đời sướng hơn tiên.
Nhắc tới AE lại nhớ tới mục đích chính của việc ngồi gõ mổ cò chữ nghĩa này,

Để có thể hoàn thành việc xây dựng, tổ chức được chương trình kế hoạch cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra trường cấp III (1992-2012), chương trình cụ thể hay ho hoành tráng đến đâu cũng phải bắt đầu xây dựng từ những bước đầu tiên cụ thể, chứ cứ bàn miệng mãi nó cứ chung chung không ra ngô ra khoai gì được; Do vậy, thay mặt lớp, em sơ lược xây dựng dần chương trình, rất mong AE nghiên cứu, đóng góp để hoàn chỉnh dần.
1. Một số chủ trương, định hướng:
- Thời gian: Tháng 6-8 năm 2012; Dự định tổ chức 3 ngày 2 đêm (Thứ 6-CN);
- Địa điểm: Cửa Lò;
- Quy mô:
+ Toàn bộ AE (29 đ/c), bao gồm cả gia đình (coi như đợt đi nghỉ mát của gia đình năm 2012, vấn đề này AE cần quán triệt để sắp xếp chương trình trong nội bộ từng gia đình, đừng để đến lúc đấy bị những lý do cản trở như gia đình mới đi nghỉ mát biển về xong, v.v...!).
+ Trước mắt nội dung chương trình, phòng nghỉ, đi lại, hội trường họp mặt thầy cô, v.v... được xây dựng trên cơ sở tổ chức cho nội bộ lớp Lý, sau này thiết lập đường dây liên lạc với 2 lớp Văn, Toán còn lại - Trường Phan Bộ Châu hoặc cả lớp Toán - ĐH Sư phạm Vinh sẽ có điều chỉnh, phối hợp sau (tuy nhiên cho dù có kết nối với các lớp kia thì mỗi lớp vẫn phải chủ động công tác tổ chức cho từng lớp, chỉ khớp nối thời gian, địa điểm hoặc một số hoạt động giao lưu);
+ Thầy cô: Mời các thầy cô dạy trực tiếp, có lẽ không mời thầy cô Lãnh đạo gián tiếp;

2. Một số công việc cụ thể:
- Từng cá nhân sắp xếp chụp 1 ảnh gia đình + 1 ảnh cá nhân 4x6, sơ lược thông tin gia đình (tên tuổi, nghề nghiệp, e-mail, địa thoại, địa chỉ) để làm kỷ yếu;
- A.Huy vừa rồi mới tổ chức họp lớp cho khối Kiểm soát tại Cửu Lò lên giúp lớp sơ bộ nội dung, hạng mục chi và dự toán; Cung cấp 1 tài khoản, sau này AE sẽ chuyển tiền trước để làm công tác chuẩn bị. Để thuận tiện trao đổi, giao cho A.Huy tập hợp điện thoại liên hệ các thành viên hoạt động trên địa bàn Nghệ An và lân cận; các vùng còn lại A.Cường chịu trách nhiệm;
- A.Mạnh Cường và A.Huy giúp lớp liên hệ dần và lên danh sách các thầy cô để mời họp mặt (sau này chính thức sẽ làm giấy mời lịch sự); Sơ bộ liên hệ khách sạn, phòng họp;
- Chương trình: + Chiều thứ 6 tập hợp Cửa Lò, sắp xếp chỗ ở, tối nhậu, họp chương trình;
+ Sáng thứ 7: các gia đình ở xa về, nghỉ ngơi thư giãn;
+ Trưa T7: Họp trù bị các công việc
+Chiều tối T7 họp giao lưu và liên hoan với các thầy cô (đang suy nghĩ, trong quá trình liên hệ thầy cô, nếu thầy cô nào có sức khỏe và nhiệt tình sẽ mời thầy cô nghỉ tắm biển ở Cửa Lò từ trưa Thứ 7 - tối giao lưu - chia tay vào trưa CN);
Trong ngày Thứ 7 sẽ tổ chức cho các gia đình ở đi Đền Củi (đền Ông Hoàng Mười), các cháu đi thăm quê Bác, Tp.Vinh - quảng trường HCM, đền thờ Quang Trung (cho các cháu ngố ở các tỉnh khác về để biết quê quán một tý);
+ Sáng CN dành cho các chị em (ở xa) đi chợ mua mua sắm; AE có thể thi đấu giao lưu thể thao. Trưa CN liên hoan nhẹ nhàng chia tay;
- AE nghiên cứu để đặt 1 kỷ vật tặng AE và thầy cô; theo suy nghĩ của em, mua tặng thầy cô 1 món quà có khắc kỷ niệm, còn AE trong lớp không có gì hay bằng 1 bức ảnh tập thể đẹp;
- Vụ chương trình về thăm trường chưa biết tổ chức thế nào?
- Kinh phí dự kiến:
+ Chi phí ăn ở tại Cửa Lò của các gia đình (ở xa về, hoặc nếu các AE ở NA - nếu muốn) sẽ do các gia đình này chi trả (lớp sẽ liên hệ đặt phòng tập trung 1 khách sạn - việc này sẽ đóng tiền sớm để A.Huy liên hệ đặt phòng);
+ Các chi phí chung: gồm in Kỷ yếu, tổ chức thuê phòng họp + liên hoan chung 1 tối, quà tặng thầy cô (bao gồm cả phòng ở cho thầy cô - nếu có), quà tặng kỷ niệm dịp họp lớp cho từng AE sẽ chia đều 29 đ/c (không phân biệt có mặt hay không);
+ Chi phí khác: liên hoan riêng lẻ, hoạt động thể thao, thuê phương tiện thăm Tp.Vinh, quê bác, v.v... sẽ do các đối tượng tham gia đóng góp (mỗi hoạt động sẽ có 1 tổ trưởng quản lý, tổ chức, chi trả và thu tiền);
+ Tài trợ, đăng cai: AE nào có đề xuất tài trợ kinh phí hoặc đăng cai chịu trách nhiệm sắp xếp một hoạt động, công việc nào cho lớp thì cho ý kiến; Lớp rất hoan nghênh và cám ơn lòng nhiệt tình này.
Sơ bộ vậy, đề nghị AE nhiệt tình đóng góp xây dựng để hoàn chỉnh, trên tinh thần có trách nhiệm với hoạt động chung. Ít nhất những việc liên quan đến cá nhân phải có trách nhiệm sắp xếp và hưởng ứng, cung cấp thông tin sớm, rõ ràng, tránh im ỉm, nhắm mắt, bịt tai coi như việc trên trời.

N.Đ.Cường.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

ĐỌC BÁO

Mời các bạn đọc bài viết của nhà văn Phan Thị Vàng Anh

NHÂN TRƯỜNG HỢP CHỊ THỎ BÔNG

Bạn tôi, vợ về quê thăm mẹ. Anh ở nhà, vào đúng ngày chủ nhật, thì buồn. Alô cho một người bạn, và cả hai đi mát-xa.

Cô gái làm mát-xa cho anh rất xinh, mặt tỉnh bơ, vừa làm vừa kể chuyện cười. Cô kể chuyện chị thỏ bông đi lạc.

“Chị thỏ bông có chồng là anh thỏ bông. Một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông đành ở lại.

Ngày hôm sau, chị đi tiếp, mãi vẫn không thấy đường. Chị nhìn thấy anh thỏ nâu. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ nâu nói, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông cắn răng ở lại đấy một đêm.

Hôm sau nữa, chị đi tiếp. Vẫn lạc đường. Lần này thì gặp anh thỏ đen. Chị đến hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ đen cũng nói, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông tặc lưỡi ở lại.

Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy, và lên đường. Ði được một đoạn thì thấy nhà, với anh thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Chị về nhà được hai hôm thì biết mình có mang.”

Cô mát-xa đố: “Em đố anh, con của chị thỏ bông sẽ có màu gì?”

Bạn tôi đoán, cà phê sữa bông, khoang đen bông…, mãi cũng sai, đành hỏi cô.

Cô bảo: “Muốn biết thì ở lại đây đêm nay”.

Ðương nhiên là bạn tôi không phải thỏ bông nên không ở lại. Chỉ cười khà khà, tí sau rút ví ra, cho tiền boa, và về kể tôi nghe, tấm tắc khen mãi cô gái massage tinh ranh làm anh buồn cười – cái việc mà cả mấy năm nay vợ anh không làm được.

*

Thưa chị em phụ nữ,

Không làm chồng cười được là một cái tội rất to. Nó khiến cho chồng các chị phải đi tìm nụ cười ở những nơi khác. Và đó là một cái quyền của đàn ông.

Cái này không phải là mình tôi nghĩ ra và phát ngôn. Mà điều này, báo (dành cho phụ nữ) nào cũng có nói. “Khi anh ấy có người khác, bạn hãy xem lại mình.” Nghe như một châm ngôn.

Bởi vì các chị không biết kể chuyện chị thỏ bông, cho nên các anh phải đi nghe người khác kể lại câu chuyện ấy. Bởi vì các chị không biết mát-xa, cho nên các chị không thể cấm các anh đi mát-xa. Bởi vì các chị không biết quá nhiều thứ nên các anh phải đi lấy kiến thức từ nơi khác. Bởi vì các chị biết quá nhiều thứ nên các anh sẽ đi phổ biến kiến thức cho nơi khác. Bởi vì các chị quá hiền, Bởi vì các chị quá dữ, Bởi vì các chị quá ngăn nắp, Bởi vì các chị quá bừa bộn…

Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.

Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông, cho nên các chị đành ở đó mà vui vầy với bếp núc cùng con cái.

Trong khi đó,

Thưa các chị,

Một món quà nhân ngày phụ nữ mà tôi muốn tặng cho các chị, dù mở ra các chị có thể nhăn mặt, thấy vô đạo đức, gói lại không nhận, là phần phân tích sau vụ việc chị thỏ bông vừa qua để các chị biết thực lực các chị đến đâu:

1. Các chị dễ rơi vào tình huống “chị thỏ bông” hơn các anh

Có lẽ, chẳng ai nói cho chồng các chị biết rằng: phụ nữ có khả năng sa ngã hơn đàn ông rất nhiều. Lại không phải kiểu sa ngã ăn-bánh-trả-tiền-một-lần-rồi-quên như đàn ông, mà đây là sa ngã tinh thần, thương thương nhớ nhớ mà chồng các chị có biết thì chỉ có nát tim gan.

Không báo nào răn đe người đàn ông rằng nếu anh cứ để bụng bia đi lại nghênh ngang trong nhà mà quăng quật vợ, thì vợ anh, tuy cúi mặt hiền thục nấu ăn trong bếp cho anh đó, nhưng tâm trí là hướng về người khác rồi; như một nơi an ủi, như một chốn yêu thương; chỉ rất may cho anh, rằng chị đã ở cái thế “bàn thờ” của phụ nữ Á đông, nên ít khi để cho mọi việc đến nơi đến chốn, chứ còn không thì…

2. Luôn có những người khác mà chị không biết

Chị thỏ bông chỉ cần đi ra đường cũng đã thấy muôn sắc thỏ đón chào mình. Anh thỏ bông có thể thấy vợ là nhàm, nhưng những anh thỏ khác thì không thế.

Các chị cũng thế, để ra một ngày nhìn quanh mình đi, rồi các chị sẽ thấy, nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.

Lâu nay các chị vẫn được giáo dục trở thành một bông hồng duy nhất cho một người duy nhất. Ðó hình như là chiến lược của cánh đàn ông. Ðàn ông không nói với các chị rằng, nếu càng nhiều người ngắm, thì họ càng quý bông hồng của mình. Không đời nào họ nói như thế. Họ chỉ muốn an toàn, nên cố hướng dẫn các chị nở mãi một cách, tỏa hương mãi một loại; loại nào, cách nào công dung ngôn hạnh tiết liệt nhất. Thế rồi sau đó, khi đã đúc được chị thành bông hoa nhựa rồi, họ lại chỉ muốn tìm đến những bông hoa dại biết kể chuyện thỏ bông.

Thường bao giờ họ cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy, hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị sẽ chọn ngay con đường hoa nhựa.

Các chị không biết, rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.

3. Gia đình còn hay mất là do đạo đức các chị

Chị thỏ bông có cái khả năng đi ba đêm về mà anh thỏ bông vẫn không biết, và trên đường có rất nhiều anh thỏ đen, nâu, trắng sẵn sàng rủ chị phiêu lưu. Cái gia đình thỏ bông thật ra còn hay mất là do chị, do đạo đức của chị đến đâu. Chị thỏ bông hoàn toàn có thể tạo ra những vụ việc đi lạc lần nữa để phiêu lưu mà chẳng mất gì. Nhưng trời phú cho chị thỏ bông (cũng như cho các chị em phụ nữ) cái khả năng nghĩ về đạo đức rất mạnh, cho nên anh thỏ bông mới còn vợ cùng nhai cà rốt với mình.

***

Tóm lại:

Sau vụ việc chị thỏ bông này, hẳn các anh đã thấy mình cũng cần cảnh giác mà giữ vợ?

Bởi vì con đường hư hỏng của phụ nữ không cần mất công như các anh đâu. Theo một thống kê mật, những lời đề nghị của phụ nữ được chấp nhận tới 8/10, trong khi đàn ông chỉ có 1.5/10 mà thôi.

Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi sử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.

Hôm nay, nhân vụ chị thỏ bông, tôi lấy lại chút bình đẳng cho các chị. Còn bây giờ, tôi phải đi. Có người đang đợi tôi để hỏi: muốn làm hoa dại hay hoa nhựa.

Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi chỉ hung hăng thế thôi. Ðể không mất anh ấy, tôi sẽ làm hoa nhựa.